CLB - Hội

Cuộc thi ROBOT ĐỐI KHÁNG – SUMO – Khoa Công nghệ Tự động hoá lần thứ nhất năm 2022

Cuộc thi ROBOT ĐỐI KHÁNG – SUMO – Khoa Công nghệ Tự động hoá lần thứ nhất năm 2022

Nhằm hưởng ứng phong trào thi đua học tập, nghiên cứu khoa học và sáng tạo cho sinh viên toàn trường lập thành tích chào mừng Ngày nhà giáo Việt Nam 20/11 và kỷ niệm ngày truyền thống của trường 14/12. Liên chi đoàn Khoa Công nghệ Tự động hóa xây dựng kế hoạch “Tổ chức cuộc thi ROBOT ĐỐI KHÁNG – SUMO – Khoa Công nghệ Tự động hoá lần thứ nhất năm 2022”

1. Chủ đề cuộc thi

ROBOT ĐỐI KHÁNG – SUMO – Khoa Công nghệ Tự động hoá lần thứ nhất năm 2022

2. Mục tiêu

Dựa trên việc vận dụng các kiến thức để thiết kế, chế tạo 1 robot thi đấu đối kháng nhanh và hiệu quả nhất.

3. Nội dung và thể thức thi đấu

3.1. Giới thiệu

Sumo là môn võ có lịch sử phát triển lâu đời, nó thể hiện sự cứng cỏi và dũng khí của người dân Nhật Bản. Trong trận đấu Sumo, hai lực sĩ sẽ thi đấu với nhau trong một vòng tròn, lực sĩ nào bị ngã trong vòng tròn trước, hoặc bị đẩy ra khỏi vòng tròn trước là thua.

3.2. Tổng quan

Một trận đấu Robot Sumo là một cuộc thi giữa hai đội. Hai đội thi đấu với nhau trong 3 hiệp có tính điểm trong một sàn thi đấu hình tròn. Trọng tài sẽ quyết định số điểm cho mỗi đội sau mỗi hiệp đấu, đội nào có tổng số điểm lớn hơn là thắng trận.

4. Yêu cầu của khu vực thi đấu

4.1. Khu vực thi đấu

Khu vực thi đấu bao gồm sân thi đấu hình tròn và vùng không gian phía trên nó cùng với vùng xung quanh sân thi đấu được giới hạn bởi rào bảo vệ trong kích thước 1.5m x 1.5m. Mọi vùng ngoài khu vực thi đấu gọi là vùng ngoài.

4.2. Định nghĩa sàn thi đấu

Sân thi đấu có dạng hình tròn đường kính 160 cm (bao gồm hai vạch khởi động chia giữa đường tròn).

Hình 1.1. Mặt sàn thi đấu

Hình 1.2. Mặt sân thi đấu thực tế

Vạch khởi động (nơi robot được đặt lúc bắt đầu một hiệp đấu) là hai vạch thẳng kẻ song song dài 50 cm và rộng 10 cm đặt cách nhau 50 cm đối xứng qua tâm hình tròn.

Sàn thi đấu có viền bao màu trắng bề rộng 5 cm. Sân thi đấu cao 5cm (mặt sân màu đen).

5. Các quy định và điều cấm

5.1. Các quy định chung

– Robot có kích thước giới hạn trong phạm vi 30cmx30cmx30cm.

– Số động cơ sử dụng cho robot ≤ 2.

– Động cơ có điện áp hoạt động từ 3-12VDC; Kích thước (Dài x Rộng x Cao) 64x19x22,6mm.

– Tổng khối lượng của robot ≤ 3 Kg.

– Nguồn điện: điện áp ≤ 12 V (sử dụng Pin).

– Mỗi robot phải có 1 nút khởi động.

5.2. Điều kiện cấm

– Vật liệu chế tạo: Sử dụng các vật liệu không nằm trong danh mục vật liệu cấm sử dụng. Không sử dụng các vật liệu sau:

+ Vật liệu phóng xạ, vật liệu dễ cháy, kim loại độc (Pb, Thủy ngân, ami-ăng, .…).

+ Các loại vật liệu có tính giòn (thủy tinh, đồ gốm…).

6. Quy định về tổ chức trận đấu

6.1. Quy định về hiệp đấu và thời gian thi đấu

– Trận đấu có 3 hiệp thi đấu.

– Mỗi hiệp đấu có kéo dài 3 phút, không kể thời gian tạm dừng (thời gian chết).

– Thời gian nghỉ giữa 2 hiệp đấu là 5 phút.

– Một trận đấu có thể kết thúc sớm nếu một trong hai đội bị thua do vi phạm luật, knockout; do một trong hai hoặc cả hai robot không đủ tiêu chuẩn thi đấu hoặc không có khả năng thi đấu.

6.2. Quy định về trận đấu

– Một trận đấu sẽ có 2 đội tham gia, thi đấu đối kháng trực tiếp.

– Trong 1 trận đấu, mỗi đội chỉ được sử dụng 01 (một) tổ hợp robot duy nhất, điều khiển tự động.

– Mỗi đội có tối đa 5 thành viên tham gia điều khiển và bảo dưỡng các Robot. Trong thời gian thi đấu, chỉ có 2 thành viên của mỗi đội được phép tham gia điều khiển Robot và đứng ở vị trí thi đấu theo quy định của Ban tổ chức.

– Trong thời gian nghỉ giữa hiệp thì các đội được phép điều chỉnh robot hoặc thay thế pin và phụ tùng.

– Trong trận đấu, nếu một hoặc cả hai Robot mắc kẹt làm cho việc thi đấu không diễn ra được, trọng tài chính có quyền cho dừng trận đấu để trợ giúp đưa Robot trở lại vị trí thi đấu. Thời gian trợ giúp đưa Robot trở về vị trí thi đấu không tính vào thời gian của trận đấu.

– Nếu sóng điều khiển của Robot này làm ảnh hưởng đến Robot còn lại thì trận đấu sẽ được dừng lại cho đến khi khắc phục việc ảnh hưởng này.

– Nghiêm cấm mọi hành vi về việc phá sóng, cản sóng điều khiển robot của các đội chơi đang tham gia thi đấu.

6.3. Trọng tài trong trận đấu

– Mỗi trận đấu có:

+ 01 Trọng tài Chính điều khiển trận đấu, quyết định cho dừng trận đấu để reset robot hoặc quyết định knockout, nhắc nhở các đội chơi.

+ 02 Trọng tài bàn phụ trách chấm điểm và công bố thắng thua hiệp đấu.

+ 02 Trọng tài Biên: hỗ trợ Trọng tài chính và trọng tài bàn.

– Trọng tài chính là người phát hiệu lệnh cho trận đấu, hiệp đấu bắt đầu và hiệu lệnh kết thúc các hiệp đấu, trận đấu hiệu lệnh dừng hiệp đấu khi có sự cố, quyết định thẻ phạt, quyết định đếm ngược, xử thua do vi phạm điều luật.

– Trọng tài bàn có trách nhiệm chấm điểm, dùng để xác định điểm trung bình của mỗi đội sau khi kết thúc hiệp đấu đấu.

– Các thành viên Tổ trọng tài không được là thành viên của một đội chơi nào.

– Trọng tài thực hiện nhiệm vụ xác định thắng thua một cách khách quan, trung thực, tuân theo điều lệ của giải đấu.

– Các đội chơi sẽ phải tuân thủ tuyệt đối hiệu lệnh của trọng tài và hiệu lệnh đèn, còi trên sân. Quyết định của trọng tài chính là cao nhất trong trận đấu và là quyết định cuối cùng cho mỗi trận đấu.

7. Quy định về vòng thi đấu

7.1. Vòng loại – thi đấu vòng tròn

– Một trận đấu Sumo gồm 3 hiệp đấu, mỗi hiệp 3 phút.

– Hiệp đấu có thời gian tối đa 3 phút, nếu không có đội nào thắng thì hiệp đó được ghi nhận là hòa.

– Đội dành chiến thắng trận đấu nhận 3 điểm, hòa 1 điểm và thua là 0 điểm.

– Tiêu chí xét hạng các đội ở vòng loại:

+ Ưu tiên 1 xét số điểm trong bảng đấu: Đội nào có số điểm cao nhất sẽ là đội nhất bảng.

+ Ưu tiên 2 xét số hiệp thắng: Đối với 2 đội hòa điểm thì xét đến tổng số hiệp thắng đội có được.

+ Ưu tiên 3 xét thành tích đối đầu: Nếu 2 đội vẫn tiếp tục hòa thì xét đến thành tích đối đầu trong trận đấu giữa 2 đội này. Nếu 2 đội vẫn tiếp tục hòa thì tiến hành cho 2 đội đấu 01 hiệp phụ để phân định thắng – thua, thời gian tối đa của hiệp đấu này là 5 phút. Nếu không vẫn không phân định được thì trọng tài sẽ tiến hành cho hai đội cho bốc thăm ngẫu nhiên để chọn ra đội thắng.

7.2. Vòng chung kết – thi đấu loại trực tiếp

– Một trận đấu Sumo gồm 3 hiệp đấu, mỗi hiệp 3 phút.

– Nếu sau 3 hiệp hai đội hòa nhau thì tiến hành cho hai đội đấu 01 hiệp phụ để phân định thắng – thua, thời gian tối đa của hiệp đấu này là 5 phút. Nếu không vẫn không phân định được thì trọng tài sẽ tiến hành cho hai đội cho bốc thăm ngẫu nhiên để chọn ra đội thắng.

8. Bắt đầu, tạm ngưng, đấu lại và kết thúc một hiệp đấu

8.1. Bắt đầu một hiệp đấu

– Theo chỉ dẫn của trọng tài, hai đội đứng ở ngoài rào bảo vệ (đối mặt với nhau qua sàn thi đấu).

– Một thành viên đại diện của mỗi đội đặt robot của mình lên ngay sau vạch khởi động.

– Trọng tài sẽ ra hiệu lệnh “1…2…3. Bắt Đầu”, một thành viên sẽ nhấn nút “Start” để kích hoạt robot.

– Robot có thể di chuyển ngay sau khi được kích hoạt.

8.2. Tạm ngưng và tiếp tục

– Trọng tài có thể thông báo tạm ngưng và cho đấu lại một hiệp đấu khi:

+ Hai robot di chuyển theo những quỹ đạo không cắt nhau trong 10 giây và không có biểu hiện sẽ gặp nhau. Nếu điều này chưa rõ ràng thì trọng tài có thể mở rộng thời gian đợi lên 20 giây.

+ Hai robot bị kẹt với nhau và đứng yên một chỗ hoặc xoay tròn, không có biểu hiện nào cho thấy một robot nào đó sẽ dành lợi thế trong 10 giây.

+ Nếu cả hai robot cùng hoàn toàn ra khỏi sân thi đấu cùng một lúc, và trọng tài không thể xác định rõ robot nào hoàn toàn ra trước (một robot được xem như ra khỏi sân thi đấu khi tất cả các bộ phận của robot không nằm trên sân thi đấu nữa).

– Các trường hợp đặc biệt:

+ Trong khi hiệp đấu diễn ra, nếu robot xảy ra các vấn đề như cháy, nổ, bốc khói thì hiệp đấu phải được ngưng lại ngay lập tức. Nếu đến thời điểm này vẫn chưa thể xác định được đội thắng của hiệp đấu thì hiệp đấu sẽ bị hoãn lại cho đến khi các đội khắc phục được sự cố, ban tổ chức sẽ quyết định thời điểm cho hiệp đấu đó bắt đầu lại từ đầu.

+ Trọng tài sẽ thông báo kết thúc hiệp đấu khi đã hết thời gian thi đấu 3 phút hoặc đã xác định được đội chiến thắng. Đại diện hai đội tắt robot mang ra ngoài khu vực thi đấu. Đội trưởng của hai đội và trọng tài sẽ phải kiểm tra và ký vào biên bản kết quả của trận đấu.

8.3. Kết thúc một hiệp đấu

– Sau khi thông báo tạm ngưng hiệp đấu, trọng tài sẽ ngưng đếm giờ và ra hiệu cho đại diện của hai đội vào khu vực sàn thi đấu, lấy robot của đội mình, đặt lại vào vạch khởi động và nhấn lại nút “Run” khi trọng tài ra lệnh bắt đầu lại. Lúc này đồng hồ đếm thời gian cho hiệp đấu đó sẽ được tiếp tục.

9. Xác định đội thắng

– Điểm thắng được tính cho đội có:

+ Robot vẫn còn nằm trong sân thi đấu và không ở trong tình trạng lật ngã (*) ngay sau khi robot của đối thủ đã nằm 1 nửa ngoài sân thi đấu.Tức là:

* Robot dùng cách hợp lệ đẩy robot đối thủ ra khỏi sân thi đấu 50% mà nó vẫn còn ở trong sân thi đấu.

* Trong trường hợp cả hai robot đều bị ra khỏi sân thi đấu, robot thua cuộc là robot ra khỏi hoàn toàn sân thi đấu trước, robot thắng cuộc là robot ra khỏi hoàn toàn sân thi đấu sau.

+ Robot vẫn còn trên sân thi đấu không ở trong tình trạng lật ngã ngay khi robot đối thủ bị lật ngã.

– Chú ý: *Một robot được xem như là ở tình trạng lật ngã khi bộ phận di chuyển của robot hoàn toàn không còn tiếp xúc với mặt sàn thi đấu. Bộ phận di chuyển là bộ phận của robot trực tiếp tiếp xúc với sàn thi đấu để di chuyển robot. Ví dụ: bánh xe, bánh xích…

10. Các lỗi vi phạm và mức xử phạt

– Lỗi vi phạm quy định về robot: nếu đội thi đấu vi phạm các quy định về robot trong mục 5 sẽ thua cả trận đấu, trọng tài cộng hai điểm thắng cho đối thủ của họ và trừ hết điểm thắng của đội vi phạm, đồng thời thông báo rõ ràng lỗi vi phạm.

– Lỗi vô văn hoá: một đội được coi là phạm lỗi vô văn hóa nếu thành viên đội sử dụng các từ ngữ hoặc hành động thô tục vô văn hoá, lăng mạ, xúc phạm trọng tài hoặc đối thủ cũng như cho robot phát ra những âm thanh thô tục hoặc viết, vẽ, trang trí robot những hình ảnh và ngôn từ vô văn hoá. Nếu đội vi phạm lỗi vô văn hóa, trọng tài sẽ cộng hai điểm thắng cho đối thủ của họ và và trừ hết điểm thắng của đội vi phạm, đồng thời thông báo rõ ràng lỗi vi phạm. Đội vi phạm lỗi vô văn hóa sẽ bị loại khỏi giải đấu ngay lập tức.

Một đội bị coi là vi phạm lỗi thi đấu nếu:

+ Họ vào khu vực thi đấu trong khi hiệp đấu đang diễn ra, trừ trường hợp đội được trọng tài cho phép mang robot vào/ra và sau khi hiệp đấu tạm dừng hoặc trong trường hợp đội được trọng tài cho phép vào để sửa lỗi hoặc khởi động lại robot.

+ Yêu cầu dừng hiệp đấu không có lý do chính đáng.

+ Dừng khởi động hiệp đấu nhiều hơn thời gian cho phép là 30 giây.

+ Sử dụng những tiểu xảo, thủ đoạn mà ảnh hưởng đến sự công bằng của trận đấu. Ví dụ: lén lút phá hoại robot đối thủ hoặc mua chuộc đối thủ.

– Mỗi lỗi thi đấu vi phạm trong trận đấu sẽ bị ghi nhận: vi phạm lần thứ nhất sẽ bị cảnh cáo, vi phạm lần thứ hai sẽ xử thua hiệp đấu và một điểm thắng sẽ được cộng cho đối thủ. Vi phạm lần thứ ba sẽ xử thua hiệp đấu, thua trận đấu và phần thắng thuộc về đối thủ. Chú ý: các lỗi thi đấu đã vi phạm chỉ tích lũy trong một trận đấu, không có giá trị để xử phạt trong một trận đấu khác.

11. Giải quyết khiếu nại

– Khi trọng tài thông báo một đội nào đó đã vi phạm điều lệ của cuộc thi, nếu không đồng ý, đội trưởng của đội đó có thể trình bày ý kiến của đội mình một cách lịch sự, ngắn gọn với trọng tài và đề nghị trọng tài xem xét lại. Trọng tài có thể xem xét và đưa ra thông báo mới phù hợp với những chứng cứ thu thập được hoặc vẫn giữ nguyên thông báo vi phạm của đội đó nếu họ không phát hiện thêm những chứng cứ mới làm thay đổi tình hình. Các đội và ban tổ chức sẽ phải tôn trọng và chấp nhận quyết định sau cùng của trọng tài.

– Hình thức khiếu nại: đội trưởng có thể trình bày vấn đề khiếu nại với trọng tài trước hoặc sau mỗi hiệp đấu.

– Các câu hỏi về luật và các trường hợp đặc biệt có thể được thảo luận với ban tổ chức và được ban tổ chức giải quyết.

– Thay đổi luật: Ban tổ chức có quyền và có thể thay đổi hoặc bổ sung luật thi đấu cho phù hợp với điều kiện thực tế. Các thay đổi bổ sung sẽ được công bố trước ngày thi chính thức 5 ngày.

– Quyết định của trọng tài: Trọng tài có trách nhiệm tham khảo các điều luật nêu trên để có thể ra các quyết định và chấm điểm cho các trận đấu một cách công bằng. Tuy ban tổ chức đã cố gắng biên soạn và nghiên cứu kỹ lưỡng các điều luật này, nhưng trong thực tế vẫn có thể xảy các tình huống bất ngờ mà các điều luật chưa lường trước được. Trong những trường hợp như vậy, ban tổ chức sẽ tôn trọng quyền quyết định của trọng tài: quyết định của trọng tài sẽ được xem là quyết định sau cùng.

12. Cơ cấu giải thưởng

– Dự kiến:

– 01 giải nhất: 1000.000đ + Giấy chứng nhận.

– 02 giải nhỉ: 800.000đ + Giấy chứng nhận.

– 03 giải ba: 500.000đ + Giấy chứng nhận.

– 03 giải khuyến khích: 300.000đ + Giấy chứng nhận.

13. Tổ chức thực hiện

– Yêu cầu mỗi lớp sinh viên từ K18-20 mỗi chi đoàn tối thiểu 1 đội, khuyến khích sinh viên K17, K21, các nhóm sinh viên tham gia.

+ 15/10-30/10/2022: Triển khai thông báo về cuộc thi

+ 01/11-07/11/2022: Đăng ký đội thi

+ 08/11- 30/11/2022: Các đội thi hoàn thành robot

+ 01/12-07/12/2022: Tổ chức sơ khoả cuộc thi

+ 26/12/2022: Tổ chức chung khảo và trao giải cuộc thi.

– BCH Liên chi đoàn xây dựng kế hoạch, dự toán, thông báo triển khai cho sinh viên, thành lập Ban tổ chức, Mời Ban giám khảo, chuẩn bị cơ sở vật chất phục vụ cuộc thi, trao các giải thưởng cho sản phẩm đạt giải.

– Bộ môn Robot và Công nghệ oto chịu trách nhiệm cố vấn về chuyên môn cho cuộc thi.

– Các Chi đoàn, nhóm sinh viên đăng kí các sản phẩm, tự lo kinh chế tạo và hoàn thiện sản phẩm tham gia dự thi.

– Liên hệ: Phụ trách đ.c Lê Hồng Thu (BT LCĐ CNTĐH), đ.c Trần Văn Dũng (Trợ lý HSSV Khoa CNTĐH – UVBCH LCĐ).

14. Một số hình ảnh sinh viên chuẩn bị cho cuộc thi

Chia sẻ: